Những cú sốc về văn hóa khi sang Nhật du học
Khi du học Nhật Bản, nhiều du học sinh sẽ phải đối mặt với những cú sốc văn hóa do sự khác biệt rõ rệt giữa Nhật Bản và Việt Nam. Những cú sốc này có thể khiến bạn bối rối, nhưng nếu chuẩn bị tâm lý kỹ càng, bạn sẽ dễ dàng thích nghi hơn. Hãy cùng Nhật ngữ Kiến Minh tìm hiểu về những cú sốc văn hóa khi sang Nhật du học nhé!
1. Ngôn ngữ
Việc giao tiếp với người Nhật Bản trong thực tế thường là một trong những cú sốc lớn nhất đối với du học sinh, ngay cả khi họ đã học tiếng Nhật trước khi đến. Mặc dù có thể nắm vững ngữ pháp và từ vựng trong môi trường học tập, nhưng khi ra ngoài xã hội và phải giao tiếp với người bản xứ, nhiều du học sinh vẫn cảm thấy lúng túng và bối rối. Nguyên nhân là do ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật có nhiều đặc điểm khác biệt so với những gì được học trong sách vở. Người Nhật nói nhanh và sử dụng nhiều từ lóng hoặc tiếng địa phương, khiến cho việc nghe hiểu đôi khi rất khó khăn.
2. Người Nhật độc lập và lạnh lùng
Cú sốc văn hóa mà nhiều du học sinh Việt Nam gặp phải khi đến Nhật Bản thường là sự khác biệt rõ rệt trong cách người Nhật tương tác xã hội. Đối với những ai quen với sự sôi nổi, cởi mở và dễ dàng trong giao tiếp của người Việt Nam, phong cách giao tiếp lịch sự, kín đáo của người Nhật có thể tạo ra cảm giác "lạnh lùng" và xa cách.
Điều này một phần xuát phát từ văn hóa của người Nhật. Khi bạn dần quen với cách giao tiếp và văn hóa của họ, bạn sẽ nhận ra rằng người Nhật có thể rất chân thành và quan tâm đến người khác, nhưng họ thường thể hiện điều đó qua hành động hơn là qua lời nói hay cử chỉ tình cảm.
3. Sốc văn hóa Tiền bối – Hậu bối
Ở Nhật Bản, hệ thống senpai (tiền bối) và kohai (hậu bối) được coi là một phần quan trọng trong cấu trúc xã hội. Senpai là người đã có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc ở cấp độ cao hơn, trong khi kohai là người ít kinh nghiệm hơn hoặc mới bắt đầu. Hệ thống này không chỉ áp dụng trong môi trường học đường mà còn trong công việc, thể thao và các tổ chức xã hội.
Với các du học sinh từ những nền văn hóa không có sự phân chia thứ bậc rõ ràng như vậy, việc phải tôn trọng và tuân thủ các quy tắc ứng xử với senpai có thể gây sốc. Hậu bối không chỉ phải kính trọng tiền bối mà còn phải lắng nghe lời khuyên, học hỏi từ họ, và trong nhiều trường hợp, thậm chí còn phải thực hiện các yêu cầu của senpai mà không được phép từ chối.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để bạn học hỏi được cách ứng xử xã giao và thái độ trong công việc và cuộc sống, vì vậy hãy luôn có thái độ tôn trọng và đúng mực khi tiếp xúc với các tiền bối nhé.
4. Sự lễ phép và quy tắc xã hội
Nhật Bản nổi tiếng với quy tắc ứng xử nghiêm ngặt. Việc cúi chào đúng cách, cách sử dụng từ ngữ lịch sự và cách đối xử với người lớn tuổi là những điều cần học và tuân thủ chặt chẽ. Việc này có thể gây khó khăn và áp lực cho những ai chưa quen với các quy tắc xã hội phức tạp này.
5. Nhiều thiết bị máy móc hiện đại
Một cú sốc văn hóa khác mà du học sinh thường gặp phải khi đến Nhật Bản là sự hiện diện của quá nhiều thiết bị máy móc hiện đại trong đời sống hàng ngày. Nhật Bản nổi tiếng là một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ tiên tiến, và điều này thể hiện rõ ràng trong hầu hết các khía cạnh của cuộc sống, từ những việc đơn giản như đi vệ sinh, mua hàng, đến sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Dù ban đầu có thể khiến nhiều du học sinh bỡ ngỡ và lúng túng, nhưng dần dần, họ sẽ nhận ra sự tiện lợi và hiệu quả mà những thiết bị này mang lại, đồng thời học cách tận dụng chúng để thích nghi và phát triển trong môi trường mới.
Việc sốc văn hóa khi đến một đất nước mới hoàn toàn là điều bình thường và chúng ta cần thời gian để thích nghi với điều này. Vì thế hãy suy nghĩ theo chiều hướng tích cực và cố gắng vượt qua giai đoạn này. Cùng theo dõi Nhật ngữ Kiến Minh để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé.